Thuế suất tối thiếu toàn cầu là gì?
Theo Thông báo 120/TB-VPCP năm 2023 có nêu định nghĩa thuế suất tối thiểu toàn cầu là chính sách phát sinh từ bên ngoài có ảnh hưởng, tác động sâu sắc nhiều mặt đến Việt Nam với tư cách là một quốc gia thu hút, tiếp nhận đầu tư.
Trước đó, tại buổi họp báo quý I do Bộ Tài chính tổ chức chiều 30/3, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh có đề cập đến thuế tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) như sau:
Thuế tối thiểu toàn cầu của OECD hay còn được gọi là Trụ cột 2 quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu, theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ phải chịu thuế thu nhập ít nhất là 15%.
Có thể hiểu thuế tối thiểu toàn cầu là loại thuế đánh vào các doanh nghiệp lớn, công ty đa quốc gia có doanh thu lớn, nhưng lại đầu tư vào những nước có mức thuế suất thấp nhằm trốn thuế, tiềm ẩn nguy hại về cạnh tranh không lành mạnh.
Do đó, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước liên quan (kể cả các nước “nguồn” cũng như nước tiếp nhận đầu tư), đặc biệt là những nước có hoàn cảnh, điều kiện tương tự như Việt Nam, cần có đánh giá kỹ lưỡng tất cả các tác động, nhất là tác động bất lợi để có các giải pháp ứng xử phù hợp.
05 vấn đề cần làm rõ về thuế tối thiểu toàn cầu được đề ra là gì?
Tại Thông báo 120/TB-VPCP năm 2023, Chính phủ đánh giá kết quả nghiên cứu về thuế suất tối thiểu toàn cầu như sau:
Báo cáo của Bộ Tài chính mới chỉ tập trung vào nội dung sửa đổi, điều chỉnh chính sách thuế mà chưa phân tích, đánh giá thật đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhất là những tác động bất lợi đối với những đối tượng nhà đầu tư mà ta đã cam kết ưu đãi, từ đó ảnh hưởng đến tính hấp dẫn, cạnh tranh thu hút đầu tư của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến, đánh giá trên để tiếp tục hoàn thiện nội dung báo cáo. Đồng thời, Bộ Tài chính cho biết báo cáo cần bao quát hết các vấn đề phát sinh để đề xuất, kiến nghị các giải pháp thật phù hợp trong thời gian tới, đặc biệt báo cáo phải được bố cục chặt chẽ, rõ ràng hơn, trong đó tập trung làm rõ 05 vấn đề cốt lõi sau:
(1) Quá trình hình thành và nội hàm Thuế suất tối thiểu toàn cầu;
(2) Khẳng định rõ việc Việt Nam cần hay không cần, nên hay không nên tham gia;
(3) Làm rõ hơn chính sách thuế của ta trong thời gian vừa qua;
(4) Phân tích đánh giá thật đầy đủ, toàn diện tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam, trong đó tập trung đánh giá tác động đến: Ngân sách nhà nước; nhà đầu tư; thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam;
(5) Giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhất là giải pháp đối với những đối tượng bị tác động cần cụ thể rõ ràng, phân tích kỹ tác động.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao Bộ Tài chính về kết quả nghiên cứu, thời gian hoàn thành báo cáo “chính sách Thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động đến Việt Nam”.
Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu?
Ngày 14/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 22/QĐ-TCTĐB năm 2023 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.
Theo đó, Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 22/QĐ-TCTĐB năm 2023 quy định nguyên tắc, trách nhiệm, chế độ làm việc; cơ chế điều hành, chế độ báo cáo và điều kiện đảm bảo hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.
Danh sách thành viên Tổ công tác đặc biệt nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu theo khoản 5 Điều 1 Quyết định 55/QĐ-TTg năm 2022 bao gồm:
– Tổ trưởng Tổ công tác: Phó Thủ tướng Chính phủ – Ông Lê Minh Khái;
– Tổ phó Thường trực Tổ công tác: Bộ trưởng Bộ Tài chính – Ông Hồ Đức Phớc;
– Tổ phó Tổ công tác: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc;
– Ông Cao Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Tài chính – Thành viên;
– Ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương – Thành viên;
– Ông Nguyễn Khánh Ngọc – Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Thành viên;
– Ông Lê Xuân Định – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – Thành viên;
– Ông Nguyễn Minh Vũ – Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao – Thành viên;
– Ông Phạm Thanh Hà – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Thành viên;
– Ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – Thành viên;
– Ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương – Thành viên.
Theo quy định tại Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 22/QĐ-TTg năm 2023, Tổ công tác đặc biệt được thành lập và hoạt động theo nguyên tắc và phương thức sau:
– Tổ công tác làm việc theo nguyên tắc quy định tại Điều 4 Quyết định 55/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD và Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 22/QĐ-TTg năm 2022
– Hoạt động của Tổ công tác được thực hiện thông qua cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản của các thành viên Tổ công tác, thành viên Nhóm giúp việc.
Đồng thời, ý kiến tham gia của các thành viên Tổ công tác là ý kiến chính thức của cơ quan nơi thành viên Tổ công tác làm việc.
– Các thành viên Tổ công tác cử cán bộ đại diện thuộc cơ quan mình tham gia Nhóm giúp việc và làm đầu mối phối hợp với Nhóm giúp việc để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác.