Lịch sử hình thành luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu ở Việt Nam

Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đầu tiên được Quốc hội Khoá VIII, kì họp thứ 10, thông qua ngày 26.12.1991, có hiệu lực thi hành từ ngày 01.3.1992.

Mục tiêu của việc ban hành Luật là nhằm quản lí các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại; góp phần phát triển và bảo vệ sản xuất, định hướng tiêu dùng trong nước; tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Phạm vi điều chỉnh của Luật là quan hệ thu, nộp thuế giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân có hàng hoá được phép xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, kể cả hàng hoá từ thị trường trong nước đưa vào khu chế xuất và từ khu chế xuất đưa ra thị trường trong nước, khi thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu.

Trong cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung, Nhà nước thực hiện độc quyền ngoại thương nên chỉ có các tổ chức của Nhà nước mới được phép xuất, nhập khẩu hàng hoá và phải thực hiện nghĩa vụ bằng một khoản nộp gọi là chênh lệch ngoại thương. Đạo luật đầu tiên quy định về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch được Quốc hội thông qua ngày 29.12.1987. Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu hàng mậu dịch năm 1987 chỉ quy định thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng mậu dịch nên có sự phân biệt giữa hàng hoá xuất, nhập khẩu theo các hợp đồng ngoại thương và các loại hàng hoá xuất khấu, nhập khẩu khác.

Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 1991 quy định việc thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không phân biệt hàng hoá xuất, nhập khẩu mậu dịch hay phi mậu dịch, áp dụng đối với mọi thành phần kinh tế. Luật gồm Lời nói đầu, 7 chương với Z5 điều và có những nội dung cơ bản như sau: 1) Quy định đối tượng nộp thuế, hàng hoá thuộc diện chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; hàng hoá xuất, nhập khẩu được áp dụng miễn nộp thuế theo điều ước quốc tế; 2) Quy định căn cứ tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; 3) Quy định miễn, giảm thuế, hoàn lại thuế xuất, nhập khẩu; 4) Quy định về xử lí vì phạm Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 1991 là văn bản luật thể chế hoá những yêu cầu cơ bản chính sách của Nhà nước trong việc phát triển xuất, nhập khẩu trong giai đoạn đầu của thời kì chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường hướng tới hội nhập quốc tế. Để kịp thời bổ sung, sửa đổi, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong quá trình xây dựng nền kinh tế mở, trong điều kiện hội nhập, toàn cầu hóa, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 1991 đã qua một số lần sửa đổi, bổ sung một số điều. Lần thứ nhất bằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 1991 được Quốc hội Khóa IX, kì họp thứ 3 thông qua ngày 05.7.1993 và lần thứ hai bằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 1991 được Quốc hội Khóa X, kì họp thứ 3 thông qua ngày 20.5.1998.

 Vai trò của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Giống như bất kì loại thuế nào, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng thể hiện ba vai trò cơ bản: Một là, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; hai là, điều tiết hoạt động kinh tế; ba là, hướng dẫn tiêu dùng trong xã hội. Tuy nhiên, xuất phát tư đặc trưng cơ bản của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là đánh vào các hàng hoá xuất, nhập khẩu và sau đó được cấu thành trong giá cả của hàng hoá xuất, nhập khẩu nên loại thuế này còn có một vai trò khá đặc thù, đó là bảo hộ nền sản xuất trong nước và chống lại xu hướng cạnh tranh không cân sức giữa hàng hoá trong nước với hàng hoá ngoại nhập. Xét trên bình diện lí thuyết, vai trò này của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được thể hiện trên hai khía cạnh chủ yếu:

Một là, đối với hàng hoá nhập khẩu, do bị đánh thuế nhập khẩu nên về lí thuyết, giá cả của loại hàng hoá này trên thị trường nước nhập khẩu sẽ tăng lên, trong khi đó căc hàng hoá được sản xuất trong nước, do không phải chịu thuế nhập khâu (hoặc chỉ phải chịu thuế nhập khẩu cho phàn nguyên liệu hay máy móc nhập khẩu) nên giá thành sản phẩm của loại hàng hoá này có xu hướng rẻ hơn và do đó có sức cạnh tranh lớn hơn đối với hàng ngoại nhập. Điều này cho thấy việc đánh thuế nhập khẩu thực chất là một biện pháp để bảo hộ nền sản xuất trong nước, khi Chính phủ nhận thấy những bất lợi nghiêng về phía các hàng hoá được sản xuất từ các doanh nghiệp trong nước.

Hai là, đối vói hàng xuất khẩu, do bị đánh thuế xuất khẩu nên việc tiêu thụ các hàng hoá này ở thị trường nước ngoài trở nên khó khăn hơn so với thị trường nội địa và khi đó, các hàng hoá này có xu hướng sẽ được tiêu thụ trong nước. Bằng cách này, Nhà nước đã bảo hộ một cách hữu hiệu cho thị trường tiêu thụ trong nước. Mặt khác, khi Nhà nước muốn khuyến khích xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hoá do nước mình sản xuất khi chúng được tiêu thụ trên thị trường nước ngoài thì thuế suất đối vói hàng hoá xuất khẩu sẽ được quy định giảm đi, thậm chí là bằng không. Việc Nhà nước giảm thuế xuất khẩu đối với hàng hoá xuất khẩu sẽ tạo ra khả năng cạnh tranh tốt hơn cho loai hàng hoá này trên thị trường quốc tế, so vói hàng hoá cùng loại của những nước khác đang lưu thông trên thị trường.

Khái niệm pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là danh từ dùng để chỉ tập họp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình đăng kí, kê khai, tính thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế và xử lí các vi phạm, ttanh chấp về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phát sinh giữa Nhà nước với người nộp thuế.

Xét từ phương diện hình thức, pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật như văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội; nghị định và nghị quyết của Chính phủ; quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quyết định, thông tư của các bộ… Còn xét về phương diện nội dung, pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu lại bao hàm các vấn đề chủ yếu như: phạm vi áp dụng (được thể hiện thông qua các quy định về chủ thể nộp thuế và đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu); căn cứ tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; trình tự, thủ tục hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; chế độ miễn giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; xử lí vi phạm và giải quyết tranh chấp về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu…

Ngày nay, trong bối cảnh tự do hoá thương mại và hội nhập quốc tế đang trở thành xu hướng mang tính toàn cầu thì việc hình thành, thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan đến thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là điều tất yếu. Vì lẽ đó, có quan điểm cho rằng nội hàm của khái niệm pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không chỉ là các quy định trong pháp luật quốc gia mà còn bao hàm cả các quy định trong pháp luật quốc tế có liên quan trực tiếp đến vấn đề thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, ví dụ như Hiệp định CEPT (Common Effective Preferential Tariff – Ưu dãi thuế quan có hiệu lực chung); Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và Hiệp định GATT hay Hiệp định WTO hiện hành. Quan điểm này dựa trên lập luận cho rằng các hiệp định về (hoặc) có liên quan đến thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sau khi có hiệu lực sẽ được áp dụng trực tiếp cho các quan hệ về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu giữa Nhà nước với người nộp thuế chứ không nhất thiết phải có giai đoạn “chuyển hoá” từ các quy đinh của hiệp định thành nội luật. Đương nhiên, trong trường hợp các hiệp định có liên quan đến thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu chỉ quy định những nguyên tắc chung thì việc thực hiện các nguyên tắc đó cần phải được tiến hành thông qua quá trình nội luật hoá tại các nước thành viên hiệp định nhằm đảm bảo tính khả thi và tính hiện thực cho các quy định của hiệp định.

Như vậy, cần phải quan niệm nội hàm của khái niệm “pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu” theo nghĩa rộng, bao gồm không chỉ các quy định trong pháp luật quốc gia mà còn bao gồm cả các quy định trong pháp luật quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Quan điểm này là thích hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế và tự do hoá thương mại ưong giai đoạn hiện nay của nền kinh tế toàn cầu.

Sưu tầm