Đặt tên là một phần bắt buộc khi thành lập doanh nghiệp. Làm sao chọn được tên công ty, doanh nghiệp hay, không bị trùng mà vẫn đúng quy định của pháp luật? Mời bạn tham khảo các gợi ý tên công ty trong bài viết dưới đây

TẦM QUAN TRỌNG CỦA TÊN CÔNG TY

Tên công ty không đơn giản chỉ là cái tên xuất hiện trên các văn bản pháp lý mà còn tạo ra sự khác biệt, gây ấn tượng cho khách hàng, thể hiện được loại hình kinh doanh hoặc tầm nhìn/điều doanh nghiệp muốn truyền thông, tạo nên thành công cho công ty. Cái tên còn góp phần định hình thương hiệu và quảng cáo, cũng là yếu tố quan trọng để khách hàng nhận diện sản phẩm dịch vụ công ty so với đối thủ. Vì vậy, hãy cẩn trọng, kỹ tính khi lựa chọn tên cho công ty, doanh nghiệp của mình.

CÁCH ĐẶT TÊN CÔNG TY HAY

Để có một cái tên hay cho công ty, chúng ta có nhiều cách. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ lưu ý bạn một số mẹo trong lựa chọn tên cho doanh nghiệp của mình.

  • Tránh các từ có nội dung không lành mạnh, bậy bạ hay tiếng lóng mang ý nghĩa không đẹp;
  • Tránh sai chính tả. VD: “NGHĨA” thành “NGHỈA”;
  • Nên lấy tên gắn với yếu tố văn hóa, lịch sử, mang ý nghĩa sang trọng, đẹp đẽ, tích cực. VD: Nhà hàng tiệc cưới Trống Đồng;
  • Nên lấy tên dễ nhớ, ấn tượng;
  • Tên riêng chỉ nên có từ 2-4 chữ, hoặc phát âm thành 2-4 âm đối với tiếng nước ngoài. Nhiều hơn sẽ khó nhớ/quá dài, ít hơn thì có cảm giác cụt lủn. VD: Công ty TNHH Mai gây cảm giác cụt lủn; Trung tâm hội nghị Gala Royale là vừa đẹp;
  • Nếu lựa chọn tên tiếng Anh, hãy ưu tiên những từ “đọc sao viết vậy”. Lý do là nếu khách hàng của bạn không quá rành tiếng Anh, họ sẽ dựa theo âm mình nghe được để tìm kiếm trên internet. Một cái tên “đọc sao viết vậy” sẽ tăng khả năng tìm kiếm chính xác.

Ngoài ra, nhiều người cũng quan tâm tới yếu tố phong thủy, hợp tuổi, hợp mệnh khi lựa chọn tên công ty, doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp đúng phong thủy, hợp tuổi, hợp mệnh có thể không thực sự giúp công ty thành công. Nhưng lựa chọn được cái tên hợp ý chủ nhân sẽ mang đến tinh thần thoải mái, hài lòng, từ đó cũng khiến công việc trôi chảy, suôn sẻ hơn.

CÁCH ĐẶT TÊN CÔNG TY ĐÚNG

Tên công ty bao gồm hai thành tố “Loại hình công ty” và “tên riêng” cấu thành theo thứ tự sau:

Loại hình công ty + Tên riêng.

Trong đó:

* Loại hình doanh nghiệp viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.

* Tên riêng doanh nghiệp đặt theo ý muốn của mình, miễn là không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên công ty đang có.

  • Tên riêng này nếu là tiếng Việt thì cần phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số/ký hiệu nhưng phải phát âm được;
  • Nếu viết bằng tiếng nước ngoài thì phải là tên dịch từ tên bằng tiếng Việt sang tiếng nước ngoài. Khi dịch có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài;
  • Tên viết tắt (không bắt buộc): Viết tắt từ tên bằng tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài.

Ví dụ:

 – Tên tiếng Việt: CÔNG TY TNHH FAMILY HOME;

 – Tên tiếng Anh: FAMILY HOME COMPANY LIMITED;

 – Tên viết tắt: FAMILY HOME CO.,LTD.

BA ĐIỀU CẤM TRONG ĐẶT TÊN CÔNG TY

Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Điều 38 và Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể như sau:

  • Cấm đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký.

Theo quy định này, việc xét tên trùng hoặc gây nhầm lẫn tên không phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà khách hàng dự định đăng ký.

Ví dụ: CÔNG TY TNHH NANA thành lập năm 2016. Thời điểm hiện tại, bạn dự định đặt: CÔNG TY CỔ PHẦN NANA. Cho dù loại hình doanh nghiệp là khác nhau, nhưng tên riêng giống nhau thì vẫn là trùng tên, không thể đăng ký.

Các trường hợp nhầm lẫn tên (quy định tại Khoản 2 Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020)

+ Tên Tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký.

Ví dụ: CÔNG TY TNHH LINH CHI & CÔNG TY TNHH LYNH CHI.

+ Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký.

Ví dụ: CÔNG TY TNHH THIÊN MẠNH – Tên viết tắt: TM – Thành lập năm 2016

Thời điểm hiện tại, KH dự định đặt tên: CÔNG TY TNHH THIÊN MAI – Tên viết tắt: TM

Việc đăng ký tên viết tắt đối với công ty Thiên Mai là không được. Về cơ bản, theo quy định của Pháp luật, tên tiếng nước ngoài và tên viết tắt không bắt buộc phải có đối với việc đặt tên công ty. Trong trường hợp này khách hàng có thể bỏ tên viết tắt, hoặc thay đổi tên tiếng Việt để có tên viết tắt không bị trùng.

+ Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký.

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó.

Ví dụ: CÔNG TY TNHH NANA & CÔNG TY TNHH NANA 01 – hai tên này gây nhầm lẫn cho nhau.

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “-“, “_”;

Ví dụ:

CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ LINH NGA

CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI & DỊCH VỤ LINH NGA

Hai tên gây nhầm lẫn cho nhau.

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.

Ví dụ:

CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI HOÀNG VŨ VN

CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI TÂN HOÀNG VŨ VN

Hai tên gây nhầm lẫn cho nhau.

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự.

Ví dụ:

CÔNG TY TNHH KIM CHI

CÔNG TY TNHH KIM CHI MIỀN NAM

Hai tên này gây nhầm lẫn cho nhau.

  • Cấm sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
  •  Cấm sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.