Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?
Hiện nay, chưa có văn bản nào được ban hành chính thức định nghĩa về loại thuế này. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở pháp lý và quy định về Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, ta có thể hiểu như sau:
Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là loại thuế trực thu, đánh vào doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có mức thu nhập phải chịu thuế bao gồm từ hoạt động kinh doanh, hoạt động sản xuất, hoạt động vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và những thu nhập khác của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Đặc điểm của thuế thu nhập doanh nghiệp
Hệ thống thuế của nước ta hiện nay đều có những đặc điểm nhằm xác định loại thuế phù hợp cho từng đối tượng khác nhau. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có những đặc điểm giúp doanh nghiệp, tổ chức xác định số thuế cần đóng.
1. Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là những tổ chức có hoạt động kinh doanh hàng hóa, cung cấp dịch vụ có thu nhập chịu thuế được quy định tại Điều 2, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
- Tổ chức kinh tế, doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định ở nước ngoài có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
- Tổ chức được thành lập theo quy định của Luật hợp tác xã.
- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định nhà nước.
- Những tổ chức khác có hoạt động kinh doanh, sản xuất phát sinh thu nhập ở mức chịu thuế.
2. Thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp
Các khoản thu nhập phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên nội dung quy định thuộc Luật TNDN sửa đổi 2013 và bổ sung thêm điều lệ vào năm 2014 bao gồm:
* Thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh, sản xuất hàng hóa, dịch vụ
Thu nhập từ hoạt động kinh doanh, sản xuất hàng hóa, dịch vụ là nguồn thu nhập đến từ việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho thị trường. Lưu ý những loại hàng hóa này phải được đăng ký mã ngành với cơ quan nhà nước.
* Những khoản thu nhập khác
Về những khoản thu nhập khác được quy định tại Điều 3 Nghị định 218/2013/NĐ-CP và căn cứ vào những điều luật bổ sung tại Điều 1 Nghị định 12/2015/NĐ-CP bao gồm như sau:
Thu nhập chuyển nhượng vốn
+ Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn, trong đó bao gồm cả trường hợp bán doanh nghiệp, nhượng quyền chứng khoán, chuyển nhượng quyền tham gia góp vốn.
+ Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, quyền chuyển nhượng thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản, thu nhập từ việc chuyển nhượng bất động sản.
+ Thu nhập từ quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng tài sản bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ, thu nhập từ việc chuyển giao công nghệ.
+ Thu nhập từ hoạt động cho thuê, thanh lý hợp đồng, tài sản, trong đó có cả những loại giấy tờ có giá trị khác.
Thu nhập từ tiền lãi, tiền cho vay, trao đổi ngoại tệ
+ Thu nhập phát sinh từ các tài khoản tín dụng, lãi cho vay bất kỳ hình thức nào theo quy định của pháp luật.
+ Thu nhập từ hoạt động trao đổi, mua bán ngoại tệ.
+ Thu nhập từ khoảng chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ ngoại tệ.
+ Thu nhập từ khoảng chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ.
+ Thu nhập từ các khoản trích không sử dụng đến hoặc sử dụng không hết theo kỳ hạn của tổ chức, doanh nghiệp.
+ Thu nhập đến từ khoản nợ khó đòi đã xóa nhưng sau đó lại đòi được.
+ Thu nhập đến từ khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ.
+ Thu nhập đến từ hoạt động kinh doanh bị bỏ sót.
+ Các khoản tài trợ được tính bằng tiền hoặc hiện vật.
+ Thu nhập đến từ hoạt động kinh doanh, sản xuất ở nước ngoài.
+ Các khoản thu nhập khác bao gồm cả thu nhập miễn thuế.
3. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
– Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành được áp dụng chung cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế là 20%.
– Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có tổng thu nhập trong kỳ tính thuế không tới 20 tỷ đồng thì áp dụng mức thuế suất là 20%.
Doanh thu làm căn cứ để xác định doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất là 20% tài khoản này là doanh thu của năm trước liền kề.
– Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có hoạt động dò tìm, khai thác, chế biến khoáng sản và tài nguyên quý hiếm tại lãnh thổ Việt Nam sẽ áp dụng mức thuế suất TNDN giao động từ 32% đến 50% đối với từng quy mô dự án.
4. Công thức tính thuế TNDN
Công thức áp dụng chung để tính thuế thu nhập doanh nghiệp là:
Thuế TNDN = Thu nhập tính thuế x Thuế suất thuế TNDN
Trong trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có trích một khoản phát triển khoa học và công nghệ thì thuế TNDN được xác định theo công thức sau:
Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KHCN) x thuế suất thuế TNDN
Vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp
Sau khi ban hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì đã được sửa đổi và bổ sung khá nhiều lần, chính vì vậy thuế TNDN ngày càng làm rõ chức năng của nó, tiêu biểu là 5 vai trò như sau:
- Thuế thu nhập doanh nghiệp góp phần làm đảm bảo ngân sách nhà nước.
- Thuế thu nhập doanh nghiệp được đánh giá là công cụ quản lý và điều tiết nền kinh tế nước nhà hiệu quả.
- Đảm bảo được tính công bằng của xã hội thông qua nghĩa vụ thuế.
- Thuế thu nhập doanh nghiệp còn là công cụ đánh giá mức độ hiệu quả hoạt động kinh doanh của đối tượng nộp thuế.
- Tác động mạnh mẽ đến sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế.
Chu kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp diễn ra như thế nào?
Kỳ tính thuế TNDN được tính theo năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Đối với doanh nghiệp nước ngoài, kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định qua 2 trường hợp sau:
- Doanh nghiệp có cơ sở thường trú tại Việt Nam: nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế theo kỳ phát sinh tại Việt Nam, khoản thu nhập này không liên quan đến các hoạt động tại cơ sở thường trú.
- Doanh nghiệp không có cơ sở thường trú tại Việt Nam: nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam
Thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là bao lâu?
Thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp chậm nhất là tháng thứ 3 kể từ ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế.